logo

Bài tuyên truyền nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam 01/7/2015

(29/06/2015)

 
BẢO HIỂM Y TẾ CHO NGƯỜI CẬN NGHÈO
VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI.

      Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, nó mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người có thu nhập cáo với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới người dân. Công tác tuyên truyền về BHYT có một tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình thực hiện chính sách này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục đích của tuyên truyền là làm cho “dân biết, dân hiểu, dân tin và dân làm theo”.

      Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi để người cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Từ năm 2009, Nhà nước hỗ trợ 50% mức phí tham gia BHYT và kể từ năm 2012 nâng mức hỗ trợ lên 70%. Chính sách ưu đãi này không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước mà còn là một trong những giải pháp thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững.

       Đến nay, 100% đối tượng nghèo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được cấp và đổi thẻ bảo hiểm y tế, tuy nhiên năm 2013 vẫn còn khoảng 44.181 người thuộc diện cận nghèo khi tham gia BHYT phải đóng thêm 30% mệnh giá của thẻ. Việc tự chi trả 30% mệnh giá thẻ BHYT còn lại cũng là một khó khăn lớn đối với người của các hộ gia đình cận nghèo và thường chỉ có những người có bệnh mạn tính hoặc có nguy cơ cao mới mua thẻ, dẫn đến tình trạng lựa chọn ngược và hạn chế đáng kể tính chất chia sẻ rủi ro trong BHYT, chính vì vậy tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT tại tỉnh ta còn thấp.

      Từ năm 2014, Hưng Yên được tham gia dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và Đồng bằng Sông Hồng sử dụng vốn vay ngân hàng Thế giới, hộ cận nghèo tham gia mua BHYT cả hộ, được hỗ trợ thêm 20% mệnh giá thẻ, ngoài 70% đã được ngân sách hỗ trợ, tỷ lệ đối tượng cận nghèo mua thẻ BHYT mới chỉ đạt 35,5%.

      Thực hiện mục tiêu đến năm 2015 có trên 70% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020, có 80% dân số tham gia BHYT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã quyết định hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thêm 5% mức đóng BHYT cho người cận nghèo, đưa mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước lên 75% mệnh giá thẻ BHYT. Ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, người cận nghèo tham gia BHYT toàn nộ (kể cả các khẩu trong hộ đã tham gia các loại hình BHYT khác) được ngân hàng thế giới hỗ trợ thêm 20% mệnh giá thẻ. Như vậy nếu tính cho một hộ gia đình thuộc diện cận nghèo có 3 người cùng tham gia BHYT, chỉ phải đóng 93.150 đồng trên 1 năm cho 3 người, nếu hộ có 5 người tham gia phải đóng 155.250 đồng trên 1 năm cho 5 người, số tiền đóng cho 5 người bằng số tiền 01 người trong hộ phải bỏ ra mua thẻ BHYT cho cá nhân.

      Hiện tại tỷ lệ tham gia BHYT của Hưng Yên là 66,7% dân số, trong đó người cận nghèo tham gia BHYT đạt 66%, hiện vẫn còn trên 11.000 người diện cận nghèo chưa có thẻ BHYT.

      Người cận nghèo có thẻ BHYT được đối xử bình đẳng như các loại hình khám chữa bệnh BHYT khác, khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh chỉ phải chi trả 5% chi phí.

      Việc tham gia BHYT đối với người dân đang hết sức được quan tâm, để việc người sử dụng có hiệu quả thẻ BHYT, đề nghị bà con lưu ý một số nội dung sau:

  1. Khi đến khám, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh. Trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.

  2. Trẻ em dưới 6 tuổi đến KCB chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không có thẻ BHYT phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; nếu phải điều trị ngay sau khi sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán.

  3. Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến KCB phải xuất trình giấy hẹn của tổ chức Bảo hiểm xã hội và một loại giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó.

  4.  Một số trường hợp cần lưu ý:

- Trường hợp cấp cứu được KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình các giấy tờ trên trước khi ra viện.

- Trường hợp chuyển tuyến KCB phải xuất trình các giấy tờ trên và giấy chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế.

- Trường hợp khám lại theo giấy hẹn phải xuất trình các giấy tờ trên và giấy hẹn khám lại.

- Trường hợp đi công tác, làm việc lưu động, đi học tập trung, tạm trú thì được KCB tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật ghi trên thẻ BHYT, phải xuất trình giấy tờ trên và một trong các giấy tờ: Giấy công tác, quyết định cử đi học, giấy tạm trú.

- Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể đến KCB phải xuất trình các giấy tờ trên. Nếu chưa có thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi nhưng thủ trưởng cơ sở y tế nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc nhân thân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định.

- Trường hợp KCB tại cơ sở y tế không có hợp đồng KCB BHYT, cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh các chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí KCB để người bệnh thanh toán với tổ chức Bảo hiểm xã hội.

Nhân ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện các thông điệp:

  • “Vì an sinh xã hội, vì hạnh phúc của mỗi nhà, mọi người hãy tham gia bảo hiểm y tế”;
  • “Thực hiện nghiêm Luật Bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước”;
  • “Sức khỏe cộng đồng gắn liền với bảo hiểm y tế toàn dân”;
  • “Tham gia bảo hiểm y tế là trách nhiệm và quyền lợi của bản thân và cộng đồng”;
  • “Tham gia bảo hiểm y tế là quyền lợi, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân”;
  • “Tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình để mọi thành viên được chăm sóc sức khỏe tốt nhất”.

          Bài đăng theo công văn chỉ đạo số 697/SYT-KHTC ngày 23/06/2015 của Sở Y tế Hưng Yên về việc tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách pháp luật về BHYT năm 2015

    bài viết liên quan